Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Trí phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Các tài liệu liên quan được lãnh đạo xã cung cấp cho các ngành, các ấp, các chi bộ nghiên cứu trước để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp. Tại Hội nghị, lãnh đạo xã triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và của huyện. Qua đó, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp đến đóng góp cụ thể cho từng chương, từng điều trong Hiến pháp để đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng thực hiện.



Sau đó, Đoàn có buổi làm việc với Thường trực HĐND huyện Thới Bình để nắm tình hình và tiến độ triển khai thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn huyện. Theo báo báo, Thường trực HĐND huyện chủ động xây dựng Kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn; thường xuyên quan tâm, theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai lấy ý kiến. Đến ngày 22/02/2013, có 18/44 đơn vị đã tổ chức triển khai lấy ý kiến đóng góp, theo kế hoạch đến ngày 28/02/2013 các đơn vị sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến để báo cáo về Thường trực HĐND huyện tập hợp, tổng hợp báo cáo về tỉnh theo quy định. Hầu hết các đơn vị tổ chức triển khai lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực hiện theo đúng hướng dẫn quy định của cấp trên.



Qua thực tế tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một số khó khăn, vướng mắc như thời gian lấy ý kiến quá ngắn nên chất lượng các cuộc triển khai chưa đạt hiệu quả; về tài liệu đối với cấp xã việc còn hạn chế, vướng mắc, là do tài liệu cung cấp rất nhiều nếu chỉ cung cấp cho các ban, ngành, đoàn thể và các ấp thì không đảm bảo việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, còn nếu cung cấp thêm tài liệu cho một số người dân, khi đó nếu người dân không quan tâm, không đọc thì cũng rất lãng phí, với lại nguồn kinh phí của huyện và xã còn gặp nhiều khó khăn…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Thanh Loan, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Thường trực HĐND huyện trong việc phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiêm túc, đạt yêu cầu. Qua đó, cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của đơn vị để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kịp thời có giải pháp chỉ đạo, khắc phục. Đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND huyện trong thời gian tới cần quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng việc đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; khẩn trương kiểm tra, nhắc nhỡ và đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến để đảm bảo theo tiến độ quy định.

Minh Đương

Nhận xét

Bài liên quan